Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Chuyện xấu hổ ở Thủ đô: Trên đã quyết, dưới vẫn kêu

Việc thu như thế nào cho hiệu quả, công bằng và sử dụng đồng tiền đó làm sao cho đúng mục đích mới là mối quan tâm hàng đầu của người dân Thủ đô. Dư luận rất băn khoăn về cách để cho xã, phường đứng ra thu phí; sử dụng phí sau thu và sự công bằng giữa các chủ phương tiện...

Chính quyền loay hoay

Cách đây gần một năm, khi liên bộ Tài chính và Giao thông - Vận tải (GTVT) đưa ra phương án thu phí bảo trì đường bộ, giao cho chính quyền địa phương đảm nhiệm công việc này đã không nhận được nhiều sự đồng tình từ dư luận, đặc biệt là chính quyền địa phương. Mặc dù vậy, hai Bộ này vẫn quyết tâm giao cho chính quyền địa phương trách nhiệm thu phí đường bộ đối với xe máy. Theo thông cáo của bộ GTVT hướng dẫn về mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ, thì tổ trưởng tổ dân phố, trưởng khu dân cư… sẽ là người đi thu phí. Quy định này không chỉ làm khó chính quyền địa phương mà vô tình đẩy tổ trưởng dân phố kiêm thu phí viên.

Theo quy định của UBND TP. Hà Nội, UBND xã, phường, thị trấn sẽ chịu trách nhiệm thu phí đối với mô tô, xe máy trên địa bàn của mình. Sau khi thu phí, phường, thị trấn sẽ được giữ lại 10% tổng số tiền thu được để sử dụng, đối với xã sẽ được giữ lại 20%. Số tiền còn lại phải nộp (hằng tuần) vào tài khoản của Quỹ bảo trì đường bộ địa phương mở tại Kho bạc Nhà nước.

Với hơn 4,5 triệu xe máy, ước tính mỗi năm Hà Nội sẽ thu về 600 tỷ đồng từ phí bảo trì đường bô

Theo thống kê, hiện nay toàn TP.Hà Nội có hơn 4,5 triệu xe máy, được phân bố trên địa bàn 154 phường, 404 xã và 22 thị trấn. Như vậy, với mức thu 50.000 đồng - 100.000 đồng/xe/năm như quy định, mỗi năm Hà Nội sẽ thu được khoảng 600 tỉ đồng. Như vậy, việc trích lại từ 10 đến 20% số phí thu được cho xã, phường thì mỗi năm cấp phường, xã của Hà Nội sẽ giữ lại một số tiền không nhỏ.

Thế nhưng, thu thế nào để đạt được con số 600 tỷ đồng là một vấn đề không hề đơn giản đối với Hà Nội cũng như các địa phương khác, điều này đã được các chuyên gia cảnh báo từ khi quy định còn nằm trên giấy tờ. Thực tế, sau một ngày thu phí, nhiều xã, phường trên địa bàn Hà Nội vẫn loay hoay không biết thực hiện sao cho hiệu quả, đảm bảo công bằng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà, (Chủ tịch UBND phường Nhân Chính Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, việc giao cho địa phương thu phí bảo trì đường bộ quả thực là làm khó địa phương. Hiện nay, thực tế lực lượng ở phường chỉ có hơn hai chục người, đảm nhận các công việc hàng ngày đã rất mệt, quá tải rồi, nay lại kiêm nhiệm thêm việc thu phí thì quả là rất khó thực hiện. Bà Hà cũng đặt ra việc sử dụng nguồn tài chính chi cho đội ngũ thực hiện công việc thu phí này sao cho hợp tình, hợp lý.

Thiếu công bằng và dễ nảy sinh tiêu cực

Làm gì để công bằng "trên từng cây số"?

Quy định đã có hiệu lực thi hành, người dân dù muốn hay không cũng sẽ chấp hành những quy định của Nhà nước, nhưng làm sao để những đồng tiền phí đó được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích mới là điều họ quan tâm. Làm sao những đồng tiền phí đó đến với mặt đường một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, và quyền lợi của người đóng phí được bảo đảm “trên từng cây số”?

Đó là suy nghĩ của khá nhiều người khi bàn đến chuyện thu phí bảo trì đường bộ đối với xe máy. Bởi lẽ, trước mắt chỉ có thể thu phí đối với những xe chính chủ, còn với những xe không chính chủ thì việc thu phí vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, cùng lưu thông trên đường nhưng xe chính chủ và xe không chính chủ đã có sự bất bình đẳng.

Trao đổi với PV báo điện tửNgười Đưa Tin, ông Trường, công an viên xã Xuân Phương (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết, từ hơn một tháng nay, lực lượng công an xã đã đến từng nhà để kiểm đếm, thống kê số lượng xe máy của từng hộ rồi báo cáo lên lãnh đạo xã để có phương án thu phí hiệu quả. Tuy nhiên, đến chiều 21/7, khi quy định thu phí có hiệu lực thi hành nhưng việc kiểm đếm, thống kê số lượng xe trong xã vẫn chưa xong. Dù triển khai sớm, lực lượng đi kiểm đếm làm việc cả ban đêm nhưng vì nhiều lý do khách quan cho nên việc thống kê vẫn chưa thể hoàn thành.. Cũng theo ông Trường, một trong những khó khăn lớn nhất của việc thống kê số xe chủ yếu là do xe không chính chủ và những người ngoại tỉnh đến thuê trọ trên địa bàn.

Không chỉ lo ngại thiếu công bằng, ngay cả trong việc thu phí, sử dụng nguồn phí đó sao cho đúng mục đích, đúng quy định vẫn là một vấn đề rất được quan tâm. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc giao cho xã, phường, thị trấn thu phí không những làm khó chính quyền địa phương, mà còn không đạt được hiệu quả, gây thất thoát cho Nhà nước. "Giao cho địa phương cấp xã, phường thu theo cách "ép" họ làm thì hiệu quả sẽ không ổn, tôi dám chắc chắn như vậy. Đó là chưa kể đến việc sẽ nảy sinh những hệ lụy, như việc thỏa thuận, móc ngoặc giữa người thu và người nộp, vô tình nảy sinh tham nhũng, tiêu cực", TS. Nguyễn Minh Phong băn khoăn.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Danh Liên (chủ tịch hiệp hội Vận tải TP. Hà Nội) cho rằng, việc thu phí xe máy còn liên quan đến vấn đề chính chủ, chủ sở hữu phương tiện, do vậy giao cho xã, phường thu là khó. Một phần bởi những người này đã phải kiêm nhiệm rất nhiều việc, nên sự nhiệt tình cũng có hạn. Mặt khác, hầu hết họ không có nghiệp vụ về thuế, nên việc thu phí sẽ dễ xảy ra nhầm lẫn, sai sót, trong khi đó thì chính quyền địa phương cũng không có người và thời gian để thanh tra, kiểm tra những sai sót đó.

Theo những thông tin từ lãnh đạo TP. Hà Nội, trong quá trình triển khai thu phí, thành phố sẽ tính toán lại mức cắt phần trăm cho bộ máy thu phí cấp xã, phường, thị trấn. Đây cũng là sự động viên, khích lệ đối với những người đảm nhiệm công tác phu phí.

Hà Khê


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét