Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013

Địa phương “bất lực” với tình trạng “Tàu hóa”?

Không chỉ xuất hiện ở những thành phố gần biên giới như Quảng Ninh, Hạ Long, phố Tàu, biển chữ Tàu đã tiến vào thủ đô và lan ra khắp các tỉnh thành trên toàn quốc.

Trước tình trạng này ông Đào Xuân Đan - Chủ tịch UBND TP Hạ Long thừa nhận, thành phố chưa có cách giải quyết dứt điểm. Phần lớn quan điểm biện minh cho những biển quảng cáo tiếng Trung là do thuận tiện cho việc buôn bán với người Trung Quốc. Đồng tình với vấn đề này, ông Dương Văn Canh - Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ - cho biết, do lượng khách nước ngoài đến giao thương trên địa bàn chủ yếu là các người Trung Quốc, có nhiều người không biết tiếng Việt, nên để thuận tiện cho việc trao đổi, buôn bán, đã xuất hiện những biển quảng cáo có cả tiếng Việt và tiếng Trung.

Theo thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết tháng nào thanh tra Sở cũng đi thanh tra. Chỉ trong tháng 3/2013 đã xử lý bắt hạ hơn 100 biển quảng cáo tiếng nước ngoài ở trên to hơn tiếng Việt. Nhưng với tình trạng phố tàu vẫn thoải mái tồn tại như hiện nay thì không hiểu những thanh tra này hàng tháng đi thanh tra ở đâu? Việc xử lý các biển quảng cáo vi phạm kia chẳng khác nào bắt cóc bỏ đĩa.

Ông Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam cho biết không thể “thả rông” cho biển quảng cáo in chữ tùy tiện, mà chính quyền cần quản lý chặt dựa trên luật định. Cụ thể là, phải có tiếng Việt, chữ nước ngoài với kích cỡ nhỏ hơn. Còn ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội khẳng định, không thể lấy lý do vì nhiều khách hàng Trung Quốc mà làm biển theo tiếng của họ. Kể cả người Trung Quốc sinh sống ở đây cũng phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Tại Hà Nội, ngày 23/7 vừa qua, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội hứa sẽ xử nghiêm khắc những biển hiệu vi phạm luật quảng cáo và yêu cầu Hà Nội quản lý chặt lao động nước ngoài để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

Thực trạng biển chữ Trung Quốc, người lao động Trung Quốc, thương lái Trung Quốc coi thường luật pháp Việt Nam đang diễn ra có xu hướng phổ biến và vẫn tồn tại ở các địa phương từ nhiều năm nay nhưng hầu như các giải pháp đều “bất lực”, thậm chí có dấu hiệu chính quyền làm ngơ, không giải quyết triệt để.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét