Từ trụ sở UBND xã Sơn Định nằm bên con đường thảm nhựa phẳng êm, chúng tôi bám theo vài người dân ở thôn Hòa Nghĩa dẫn đường xe máy một chặng ngắn rồi đẩy vào bụi cây cất giấu trước khi đi bộ theo lối tắt băng qua những lùm cây, rẫy mía có độ dốc chông chênh dưới cái nắng chói chang như trút lửa. Trước khi vào tới khu rừng Hòn Đót ở thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định, một lão nông đã cẩn trọng dặn dò: “Coi chừng đám lâm tặc trở quạu gây sự bằng rìu, rựa, cây, dao…”. Thế nhưng, điều lo ngại rất chân tình đó đã không xảy ra khi chúng tôi công khai bấm máy ảnh, video clip tại hiện trường vụ phá rừng, vì nghi can đốn hạ những vạt rừng giữa Hòn Đót đang bận đi du lịch với một cán bộ xã (?!). Có đi tận nơi mới biết, có đến tận chốn mới thấu hiểu hết sự thật mà người dân đã tố cáo qua Đường dây nóng của Báo Công an nhân dân. Trước ống kính phóng viên là hàng trăm cây gỗ lớn nhỏ bị đốn hạ ngổn ngang, trong số đó có không ít cây gỗ đường kính từ 20-30cm, thậm chí có một số cây to tới cỡ hai vòng tay người lớn ôm mới trọn cũng bị hạ gục bằng máy cưa với vết cắt trông rất bén ngọt.
Và khi chúng tôi đang xâm nhập thực tế ở hiện trường phá rừng Hòn Đót mở rộng trên diện tích ước chừng 4ha, thì phía cánh rừng Suối Đục ở cách đó không xa tiếng máy cưa lốc của lâm tặc vẫn réo rắt âm vang, thỉnh thoảng tiếng cây rừng đổ ngã ầm ào nghe đến xót lòng. Bên bìa rừng, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông trạc ngoài bốn lăm tuổi đang ngồi cặm cụi sửa máy cưa lốc vừa bị hỏng, cạnh đó là mấy tấm ván vừa mới xẻ còn thơm mùi gỗ. Từ vạt rừng bị đốn hạ nhìn ngược về phía rẫy mía non tơ dẫn ra con đường đất là dấu vết bánh xe công nông vận chuyển gỗ ra khu dân cư hằn sâu trên mặt đất. Theo một số người dân địa phương, kẻ đã công nhiên phá nát vạt rừng nêu trên là ông Nguyễn X.K, 31 tuổi, trú ở thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định - một đối tượng nhiều lần uống rượu gây rối, đánh người khác đã bị Chủ tịch UBND xã Sơn Định quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại địa phương theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính - nay là Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 163/2003/NĐ-CP ngày 19/12/2003 của Chính phủ. Và điều lạ lùng là chủ nhân vạt rừng tự nhiên nêu trên không phải ông Nguyễn X.K mà của hộ gia đình ông Lê Văn Xuân - Nguyễn Thị Long, trú ở thôn Hòa Nghĩa, xã Sơn Định được UBND huyện Sơn Hòa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 29/5/2003 với diện tích 25,1ha rừng tự nhiên phòng hộ, số thửa 81, tờ bản đồ 196, thời hạn đến năm 2053. Để làm rõ thêm vụ phá rừng nêu trên, chúng tôi tìm đến nhà chủ rừng Lê Văn Xuân. Sau khi đưa ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng ông Long khẳng định họ không hề “bán rừng” cho bất kỳ ai khai thác trắng, vì đó là rừng tự nhiên phòng hộ phải khoanh nuôi, bảo vệ. Khi chúng tôi đến trụ sở UBND xã Sơn Định, mới hay Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Tân đã tự ý nghỉ việc hai ngày 18, 19/7 nhưng không báo cáo cho Thường trực Đảng ủy, sau buổi chào cờ sáng 22/7 ông Tân mới đến công sở. Trước máy ghi âm, một cán bộ chủ chốt xã Sơn Định nói rằng, trong mấy ngày tự ý nghỉ việc, ông Tân đã “đi du lịch với Nguyễn X.K.” - Nghi can phá rừng ở Hòn Đót. Nhiều lần phóng viên liên lạc vào hai số di động nhưng ông Tân không nghe máy. Khi nghe chúng tôi báo cáo qua điện thoại, Bí thư Huyện ủy Sơn Hòa, ông Nguyễn Quốc Hoàn cảm ơn và cho biết sẽ chỉ đạo kiểm tra. Không riêng ở Hòn Đót mà trên địa bàn xã Sơn Định, nạn phá rừng vẫn tái diễn ở Suối Đục, Dốc Đá, Hòn Đát, Bàn Gia, Hòn Cung… gây bức xúc trong dư luận ở địa phương, trong khi đó hơn một năm qua xã Sơn Định không tuyển dụng được cán bộ lâm nghiệp chỉ vì hệ số tiền lương quá thấp (0,9)! Đã đến lúc các cơ quan chức trách ở Sơn Hòa cần kiểm tra, xử lý và đấu tranh ngăn chặn nạn phá rừng ở Sơn Định để bảo vệ lá phổi xanh vùng đất này khi chưa quá muộn |
Thứ Tư, 24 tháng 7, 2013
Máu rừng vẫn chảy
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét