Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Không chỉ ở suối Nhum

 Dư luận đang rất bức xúc vụ em Đinh Thị Phương Thảo, sinh viên năm 4 Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM bị tử nạn vì nước cuốn trôi. Chuyện thương tâm không phải xảy ra ở vùng sâu, vùng cao nào, mà ngay ở đường dân sinh bắc qua suối Nhum trong Làng đại học Thủ Đức, TPHCM. Qua đường dây nóng Báo SGGP, nhiều bạn đọc phản ánh: Ngay tại TPHCM vẫn đang có nhiều con đường ven kênh rạch rất nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn khi ngập nước, nhưng các cơ quan chức năng vẫn thờ ơ. 

Một con đường dân sinh trong hẻm 14E quốc lộ 50, huyện Bình Chánh cũng do dân tự làm.

 Mất bò mới lo làm chuồng 

Sáng 10-7, chúng tôi đến nơi sinh viên Phương Thảo bị nạn, ghi nhận có hàng chục công nhân đang hối hả lắp đặt biển báo, đặt cọc lắp lan can cảnh báo các phương tiện giao thông khi đi ngang qua đây. Đây là con đường dân sinh nối Trường ĐH Kinh tế Luật TPHCM với Ký túc xá ĐH Quốc gia. Anh Lê Văn Ngọt, người cứu sống nữ sinh viên đi xe cùng với Phương Thảo, cho biết lâu nay nhiều người dân sinh sống gần đây đã cảnh báo, kiến nghị chính quyền địa phương về việc đã có nhiều người bị ngã xuống kênh khi nước tràn qua mặt đường, nhưng vẫn không thấy sửa chữa. Khi trời nắng, suối Nhum rất cạn nước, nhưng do đường chắn ngang suối, cống nhỏ không thoát nước kịp khi mưa lớn, nước đầu nguồn từ Bình Dương đổ về dâng lên, chảy tràn qua mặt đường.

Ông Huỳnh Ngọc Sang, Giám đốc Trung tâm Quản lý phát triển Khu đô thị ĐH Quốc gia TPHCM, thừa nhận đã có nhiều sinh viên phản ánh bị nước chảy xiết cuốn khi chạy xe ngang qua, nhưng chính quyền địa phương lại cho rằng không nhận được những thông tin này. Đây là con đường Vành đai 3 nối liền với Ký túc xá ĐH Quốc gia, nằm trong quy hoạch tổng thể ĐH Quốc gia TPHCM. Năm 2008, sau khi hoàn chỉnh một số con đường phía ngoài và bên trong, đến đoạn giữa (bắc qua suối Nhum) thì bị vướng mắc do hàng chục hộ dân ở phường Linh Xuân (quận Thủ Đức) chưa được giải tỏa di dời nên vẫn chưa thể tiến hành xây dựng được.

ĐH Quốc gia cho biết sẽ phối hợp với tỉnh Bình Dương cải tạo suối Nhum, thiết kế cống hộp phù hợp để có thể thoát nước nhanh vào mùa mưa. Do con đường đang trong giai đoạn thực hiện nên ĐH Quốc gia có một phần trách nhiệm trong vụ tai nạn.

 Hiểm họa chờ chực 

Tại TPHCM, có nhiều con đường dân sinh bắc qua kênh rạch hoặc chạy song song kênh rạch được người dân đóng góp kinh phí để lưu thông dễ dàng. Tuy nhiên, những công trình này rất sơ sài, không rào chắn, rất nguy hiểm cho người đi đường khi nước ngập.

Từ thông tin của bạn đọc trong sáng ngày 10-7, chúng tôi tìm đến con hẻm E14 quốc lộ 50 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh). Nơi đây có hàng trăm hộ dân sinh sống, trước đây để đi vào khu dân cư này phải qua một con rạch, nên người dân tự lấp đất thành con đường băng qua rạch. Con đường chỉ làm bằng đất, rào chắn bằng gỗ sơ sài một bên, đường ống cho nước rạch thoát ngang dưới đường rất nhỏ, lại có nhiều rác ứ đọng xung quanh nên nước bị ứ đọng. Chị Nguyễn Thị Ba, nhà gần đó, cho biết: “Lúc trước, chiều ngang con đường này chỉ đủ 2 xe máy đi qua ngược chiều nhau. Sau được nâng cấp do có một số công ty trong hẻm bỏ kinh phí mở rộng, nhưng vẫn còn nguy hiểm. Nhiều xe tải lưu thông qua lại khiến con đường càng xuống cấp. Bình thường, nước đã cao xấp xỉ mặt đường, chỉ cần mưa là nước ngập luôn mặt đường. Chạy xe mò mẫm giữa làn nước, không thấy mặt đường nên rất nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em. Cư dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị chính quyền nâng cấp sửa chữa nhưng vẫn không thấy ai làm”.

Con đường đi tắt từ đường Phạm Văn Bạch qua đường Nguyễn Phúc Chu (quận Tân Bình) cũng được người dân cảnh báo nguy hiểm. Người dân mở con đường này chạy song song với kênh Hy Vọng, đầu tư kinh phí tráng xi măng sạch sẽ, nhưng lại không có lan can ngăn phía bờ kênh. Mặt đường cao hơn mặt kênh gần 3m, nhìn xuống kênh nhiều đá lởm chởm. Do đường dân sinh nên không được nhà nước đầu tư làm đèn chiếu sáng. Ban đêm ở đây chỉ có ánh đèn yếu ớt từ các nhà dân xung quanh, người chạy xe ven bờ kênh vẫn phải chạy xe mò mẫm. Nguy hiểm hơn, cây cầu dân sinh trên đường này có lan can nhưng bên mất bên còn. Cầu kết cầu bằng sắt nhưng đã gỉ sét, chỉ cần hai xe máy lưu thông qua là cầu run bần bật. Vậy mà nhiều xe tải nhỏ, xe ba gác máy chất đầy hàng hóa cũng lưu thông qua đây. Các cư dân ở gần đây cho biết đã có vài người bị ngã xe rơi xuống kênh nhưng rất may không có hậu quả đáng tiếc.

Con kênh dọc đường Chiến Lược (quận Bình Tân) cũng không được an toàn. Không ít trường hợp ngã xuống vào ban đêm. Do không thấy phía trước có rạch, nhiều người chạy ra từ đường liên khu 16-18, Trương Phước Phan, Đất Mới thường ôm cua rộng nên bị lọt xuống kênh. Dọc đường Ấp Chiến Lược, có chỗ người dân tự làm lan can nhưng cũng có chỗ không có.

Ngay tại TPHCM, một đô thị lớn của cả nước, không thể để tiếp diễn tình cảnh có nhiều người dân đi đường bị lọt xuống kênh rạch do không lắp lan can thành cầu và rào chắn ven bờ kênh. Chính quyền các phường - xã cần khẩn trương rà soát lại chấn chỉnh ngay, để những con đường dân sinh bảo đảm an toàn cho người dân.

 THANH HẢI 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét