Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

Bức xúc mũ bảo hiểm

 L.T.S: Xung quanh việc thực hiện Chỉ thị 04 của Thủ tướng và Thông tư 06 về tăng cường quản lý SXKD và sử dụng MBH “đầu voi đuôi chuột”. Hiện nay Báo Lao Động đã nhận được khá nhiều thư bạn đọc, bày tỏ bức xúc, để rộng thêm thông tin tới các cơ quan chức năng, Báo Lao Động xin trích đăng một trong những bức thư đó. 

“Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của Ủy ban ATGTQG về việc tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) và Thông tư liên tịch 06. Ban đầu, người dân hưởng ứng rất nhiệt tình chủ trương trên. Cụ thể trong chương trình đổi mũ do UBATGT QG phối hợp với các đơn vị sản xuất kinh doanh MBH thực hiện đã đổi được gần 200.000 mũ cho người dân. Tuy nhiên đây là con số vô cùng nhỏ so với tổng dân số gần 90 triệu người ở Việt Nam. Các đơn vị sản xuất MBH phù hợp quy chuẩn tưởng rằng sẽ có một tương lai tốt với một thị trường cạnh tranh công bằng nên đã đầu tư thêm nhiều tiền của để cải tiến quy trình công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đáp ứng sự kêu gọi của các cơ quan quản lý nhà nước, họ đã thực hiện tăng ca, tuyển dụng thêm công nhân nhằm đảm bảo nguồn cung MBH chất lượng phù hợp quy chuẩn cho người dân.

Thế nhưng, tình hình thị trường hiện tại đã khiến những nhà sản xuất MBH chân chính thất vọng, rằng dù mọi nỗ lực của quản lý thị trường, làm từ miền Bắc xuống tới miền Nam, nhưng lực lượng cảnh sát giao thông, công an khu vực, những cơ quan chức năng tại địa phương không cùng vào cuộc,... như tinh thần của Chỉ thị 04 và Thông tư 06 nên người dân lại tiếp tục thờ ơ với tính mạng của mình. Họ sử dụng MBH không phù hợp quy chuẩn như một thói quen độc hại đã được hình thành từ lâu và khó từ bỏ. Thêm nữa, những nhà sản xuất kinh doanh MBH kém chất lượng lại “sống dậy” với các đơn hàng nhiều hơn trước, việc đã làm của cơ quan quản lý thị trường thì như “Dã tràng xe cát biển Đông”. Vậy ai là người chịu trách nhiệm về việc chính sách đưa ra nhưng không được thực thi?

Theo tính toán, với một cái mũ kém chất lượng giá khoảng 30.000 đồng sử dụng được 6 tháng, như vậy với 50 triệu người sử dụng mũ này thì mỗi 6 tháng người dân phải bỏ ra 1.500 tỉ đồng chỉ để đối phó với cảnh sát giao thông mà không có một lợi ích nào khác. Đây là một tổn thất ghê gớm, một con số mà khi chúng ta nhìn vào phải cười trong nước mắt.

Nếu nhìn sang các nước Indonesia hay Thái Lan thì chúng ta sẽ thấy được người dân của các nước láng giềng cũng sử dụng xe máy là phương tiện giao thông chính, họ cũng bắt buộc sử dụng MBH như chúng ta, họ cũng là một đất nước nhiệt đới nóng ẩm, nhưng họ sử dụng MBH loại có cằm cài quai rất an toàn, còn chúng ta sử dụng mũ nhựa nhái chỉ để không bị phạt. Nghĩ mà thấy sợ! Hiện tại các cơ quan chức năng đều đổ cho “ý thức của người dân”. Phải nói đây là một tuyên bố vô cùng khôn ngoan, vì sẽ không ai phải chịu trách nhiệm mà người dân tự làm tự chịu (!?!!). Còn người dân thì phát biểu rất thật: “Hồi trước không bắt mũ, giờ quen đội mũ đểu, nhẹ rồi, bị bắt phải đội mũ nặng khó chịu quá, phải chi từ lúc đầu cấm có phải tốt hơn không?”. “Ý thức của người dân” thiết nghĩ cũng là do các cơ quan điều hành xã hội xây dựng nên. Nếu thật sự có tâm có tầm, có trách nhiệm thì sẽ tạo được môi trường tốt nâng cao nhận thức cho người dân. Chẳng phải Singapore hay thậm chí Đà Nẵng đã làm được việc đó ư?

Chính sự yếu kém trong quản lý xã hội, không những gây thiệt thòi cho người tiêu dùng vì họ phải tiêu dùng những sản phẩm không phù hợp, không đúng mục đích mà còn gây thiệt hại cho những nhà sản xuất chân chính vì sản phẩm tốt đúng mục đích phải cạnh tranh với sản phẩm xấu, sản phẩm mũ nhựa nhái chỉ để đối phó với cơ quan chức năng.

Nếu cứ như vậy, các nhà sản xuất, các nhà kinh doanh và người tiêu dùng còn biết trông cậy vào đâu. Và phải chăng Chỉ thị 04 của Thủ tướng đang bị chính các cơ quan quản lý “vô hiệu hóa”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét